Tại sao bé sơ sinh hay khóc? Bé sơ sinh có những đặc điểm cơ thể riêng biệt, quấy khóc là ngôn ngữ mà trẻ sơ sinh dùng để truyền đạt nhu cầu của mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé quấy khóc: có thể con đang đói, tã của con đã ướt hoặc con cần người lớn ôm ấp, ...Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến con khó chịu và cách dỗ con nín hiệu quả nhé!
1. Nguyên nhân khiến bé quấy khóc
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé sơ sinh khóc là do bé bị đói: bé bú không đủ sữa, khoảng cách giữa các cữ bú của bé quá dài, vì vậy mẹ cần quan sát những dấu hiệu bé đói để cho bé ăn trước khi bé khóc. Hoặc có thể tã của bé đã ướt khiến bé khó chịu và không thoải mái. Vì vậy mẹ nên kiểm tra tã bé thường xuyên và thay mới tã cho bé. Bên cạnh đó, bé có thể khóc do bị gián đoạn giấc ngủ, giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh khó khăn và quan trọng cho sự phát triển của bé hơn mẹ nghĩ.
Ngoài ra, nếu mẹ đã đáp ứng hết những nhu cầu của bé mà bé vẫn tiếp tục khóc, có thể bé đang gặp một vấn đề về sức khỏe. Bé không bao giờ khóc khi không có lý do, vì vậy trách nhiệm của mẹ và người lớn trong nhà là tìm ra nguyên nhân và nhanh chóng giải quyết để bé được bảo đảm an toàn và thoải mái nhất.
2. Dỗ bé - thử thách lớn của bất kỳ ai
Bố mẹ thường rất “stress” vì tiếng khóc của bé, phải cầu cứu ông bà dỗ bé trong khi mẹ "bất lực" khi thấy bé khóc. Mẹ và người thân thường rất căng thẳng khi bé khóc, tuy nhiên mọi người căng thẳng bao nhiêu thì bé cũng căng thẳng bấy nhiêu.
Cho nên, điều tốt nhất mà bạn nên làm khi bé khóc là hãy giữ bình tĩnh. Tiếp đó, hãy tiến hành kiểm tra toàn diện để tìm ra nguyên nhân bé khóc. Nếu đã kiểm tra và giải quyết tất cả các nhu cầu của bé, nhưng bé vẫn không nín khóc thì mẹ hãy trấn an bé bằng các cách đơn giản để giúp dỗ trẻ sơ sinh nín khóc như sau:
Vuốt ve giúp bé bớt căng thẳng và có được cảm giác an toàn, điều này cũng xoa dịu tâm tình của mẹ hoặc người thân đang mất bình tĩnh do bé khóc nữa. Cố gắng bồng bế bé nhiều hơn, hành động này làm giảm bớt những cơn khóc của trẻ rất hiệu quả.
Nhiều trẻ thích nghe những âm thanh như mở quạt lên, tiếng máy giặt chạy, …những âm thanh này làm cho trẻ quay lại cảm giác đang còn nằm trong bụng mẹ. Hoặc nhẹ nhàng nói trực tiếp vào tai trẻ - trẻ sẽ dịu xuống khi tập trung lắng nghe tiếng nói của bạn. Ngoài ra, bé sơ sinh thường có bản năng bú mút rất mạnh, nên mẹ có thể thử cho trẻ tự ngậm ti giả. Không những giúp bé tự vỗ về, ti giả còn có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng trẻ đột tử trong khi ngủ trong một số nghiên cứu gần đây.
Sau thời gian ở cữ, mẹ sẽ không thể ở bên bé thường xuyên, điều này có thể dẫn đến tình trạng bé quấy khóc nhiều hơn. Do đó, mẹ hãy nhờ người thân hay bạn bè trông hộ bé ít phút, hay đặt bé vào nơi an toàn, chẳng hạn như nôi của bé, và đi trốn sang phòng khác trong ít phút để bé dần quen với sự vắng mặt của mẹ, cũng như hình thành thói quen nhận biết những người thân khác trong gia đình.